Triển lãm 800 đầu sách trong khuôn khổ Ngày Sách và văn hóa đọc 2025
2025-04-23 09:29:06
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025, Thư viện Quốc gia tổ chức nhiều hoạt động hòa chung không khí kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Với chủ đề "Mỗi trang sách - Một niềm tự hào", Ngày Sách và
Văn hóa đọc năm 2025 được tổ chức tại Thư viện Quốc Gia với nhiều hoạt động hòa
chung không khí hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước. Sự kiện khai
mạc vào sáng ngày 19/4 với trọng tâm là buổi triển lãm 800 đầu sách về chủ đề Đại
thắng Mùa xuân năm 1975, thành tựu của đất nước sau nửa thế kỷ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Xuân Dũng - Quyền Giám đốc Thư viện
Quốc gia Việt Nam - nhấn mạnh: "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2025 là
dịp để chúng ta nhìn lại hành trình phát triển văn hóa đọc, một giá trị nền tảng
bền vững, góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới".
Theo ông Nguyễn Xuân Dũng, ở bất kỳ quốc gia hay nền văn minh nào, sách
luôn là người bạn đồng hành âm thầm và trung thành nhất của con người, từ những
trang viết tay cổ xưa cho tới các nền tảng số hiện đại. Sách mang trong mình ký
ức thời gian, ước mơ nhân loại và khát vọng không ngừng chinh phục tri thức. Vì
vậy Ngày Sách và Văn hóa đọc là một sự kiện quan trọng để lan tỏa tình yêu tri
thức.
"Năm 2025, chủ đề 'Mỗi trang sách - Một niềm tự hào' càng thêm ý nghĩa khi gắn liền với dấu mốc 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi trang sách được mở ra là một cuộc hành trình trở về với lịch sử hào hùng, là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, tiếp thêm cảm hứng để người Việt hôm nay thêm yêu quê hương, trân trọng những thành tựu của cha ông, đồng thời nuôi dưỡng khát vọng vươn lên kiến tạo tương lai", ông Nguyễn Xuân Dũng nói.
Ông Nguyễn Xuân Dũng - Quyền Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam - phát biểu tại lễ khai mạc.
Đại diện Thư viện Quốc gia cũng cho rằng sách góp phần hình thành nhân cách, phát triển tư duy phản biện và tinh thần sáng tạo - những yếu tố thiết yếu cho sự phát triển bền vững của xã hội hiện đại.
Cũng tại sự kiện, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng
10.000 cuốn sách cho các thư viện vùng sâu, vùng xa. Thông qua đó, lãnh đạo Bộ
kỳ vọng những tác phẩm giá trị có thể đến tay người đọc ở khắp các vùng miền Tổ
quốc.
Với thông điệp mạnh mẽ từ chủ đề năm nay, ông Nguyễn Xuân Dũng khẳng định một dân tộc có thói quen đọc sách sẽ là một dân tộc có chiều sâu văn hóa. Một thế hệ trẻ yêu sách, biết chọn sách và ham đọc là nền tảng vững chắc để xây dựng một đất nước phát triển, văn minh. Mỗi cuốn sách được trao đi là một tia sáng tri thức được thắp lên, mở ra những hành trình mới trong hành trình khám phá chính mình và thế giới.
Trong khuôn khổ ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay, Thư viện Quốc gia đã tổ chức chuỗi hoạt động đặc sắc, giàu tính giáo dục và lan tỏa mạnh mẽ các giá trị văn hóa - lịch sử tới đông đảo công chúng. Nổi bật là triển lãm trưng bày 800 đầu sách với bốn chuyên đề trọng tâm: Tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại thắng mùa Xuân 1975, Những người làm nên lịch sử và Đất nước trọn niềm vui cùng thành tựu 50 năm sau ngày giải phóng.
Người dân Hà Nội tham quan gian hàng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Đức Huy.
Anh Bùi Quang Thắng (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Triển
lãm đặc biệt thu hút các em nhỏ bởi chúng có thể đọc, tìm hiểu về các ấn phẩm lịch
sử thông qua những màn hình lớn. Đây là lần đầu cùng con tới đây tham gia Ngày
Sách, tôi cảm thấy rất ấn tượng về không khí nhộn nhịp khác hẳn với khung cảnh
thư viện hàng ngày".
Triển lãm được tổ chức bằng cả hình thức trưng bày trực quan và trình
chiếu tài liệu số, tạo nên không gian trải nghiệm sinh động, hiện đại, giúp người
xem có cái nhìn toàn diện về cuộc kháng chiến trường kỳ và tinh thần bất khuất
của dân tộc.
Song hành cùng triển lãm là chương trình giới thiệu hai tác phẩm văn học
tiêu biểu về đề tài chiến tranh cách mạng: Mưa đỏ của nhà văn Chu Lai và Trong
cơn gió lốc của nhà văn Khuất Quang Thụy.
Tại buổi chia sẻ về hai tác phẩm này, Đại tá Phùng Văn Khai - Phó tổng
biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội - đã đặt ra nhiều vấn đề như công chúng hiện
nay sẽ ứng xử với văn học về người lính như thế nào? Sự trưởng thành của người
lính trong hai cuộc kháng chiến ra sao? Thế hệ trẻ sẽ làm gì để kế thừa kho
tàng văn học về chủ đề chiến tranh của những lớp người đi trước như ông Chu
Lai, Khuất Quang Thụy. Qua chương trình các diễn giả khác như TS Đỗ Anh Vũ, Nhà
thơ Phạm Vân Anh cũng gửi gắm niềm tin vào công chúng thế hệ mới sẽ ngày một cởi
mở hơn khi nhìn và viết về chiến tranh.
Bên cạnh đó, cuộc thi vẽ tranh với chủ đề Đất nước trọn niềm vui được tổ chức cho học sinh nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, lòng biết ơn với thế hệ cha anh. Những hoạt động này thể hiện sự đa dạng, phong phú trong cách Thư viện Quốc gia tiếp cận người đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ, để lan tỏa văn hóa đọc và khơi dậy tinh thần trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và tương lai đất nước.
Nguồn: Znews (Triển lãm 800 đầu sách trong khuôn khổ Ngày Sách và văn hóa đọc 2025 - Tin tức xuất bản - ZNEWS.VN)