Thúc đẩy thị trường sách trên nền tảng số

2023-12-27 17:33:05

Vừa qua, Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023-2025 nhằm góp phần xây dựng thói quen đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc, đồng thời mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy thị trường sách trên các nền tảng số.

Ðại diện Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok Việt Nam chia sẻ về BookTok.
Ðại diện Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok Việt Nam chia sẻ về BookTok.

Thỏa thuận hợp tác tập trung vào bốn nội dung chính, gồm: Hỗ trợ quảng bá sách và văn hóa đọc tại Việt Nam; triển khai “Ngày BookTok” định kỳ mỗi tháng trên nền tảng TikTok; ngăn chặn hoạt động mua bán sách giả, sách lậu trên nền tảng và tổ chức chương trình đào tạo về khai thác hiệu quả TikTok Shop.

Ðể quảng bá cho văn hóa đọc, Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok Việt Nam khuyến khích các nhà sáng tạo nội dung tiếp tục kết nối, lan tỏa và chia sẻ niềm đam mê sách trong cộng đồng. Theo đó, hai bên đặt mục tiêu đạt một tỷ lượt xem trên nền tảng đối với các nội dung quảng bá, truyền thông sách và văn hóa đọc trong vòng 12 tháng (vắt qua hai năm 2023-2024).

Bên cạnh đó, Hội Xuất bản Việt Nam cũng khuyến khích các nhà xuất bản, nhà phát hành và các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng cùng đồng hành quảng bá sách theo các chủ đề được giới thiệu mỗi tháng đến với người dùng TikTok, đồng thời xây dựng các chương trình bán sách với giá ưu đãi tới độc giả. Song song đó, TikTok Việt Nam hỗ trợ tiếp cận đến 10 triệu độc giả vào mỗi ngày “BookTok” hằng tháng được tổ chức.

Nội dung được quan tâm nhất là: Ngăn chặn các hoạt động mua bán sách giả, sách lậu, hai đơn vị và các thành viên Hội Xuất bản Việt Nam đã xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ, hướng tới mục tiêu các cửa hàng bán sách giả, sách lậu sẽ bị xóa trong vòng 48 giờ kể từ khi nhận thông tin từ Hội Xuất bản Việt Nam. Ðể đào tạo về khai thác hiệu quả mô hình mới, hai bên cũng phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo, cung cấp thông tin, hỗ trợ tối đa về chính sách và tính năng của cửa hàng TikTok Shop.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Nguyên cho biết: Ở Việt Nam, chuyển đổi số đã mang đến những thay đổi ngày càng rõ nét trong các khâu xuất bản, truyền thông, phát hành. Dù mang lại cơ hội lớn, song chuyển đổi số cũng đặt ra những thách thức đối với ngành xuất bản, cụ thể là về năng lực chuyển đổi số của các nhà xuất bản, nhà phát hành. Chương trình hợp tác này chính là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội tiềm năng cho ngành xuất bản để tiếp tục vai trò, sứ mệnh lan tỏa văn hóa đọc đến với toàn thể cộng đồng.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ, song hành với các hoạt động trực tuyến, TikTok sẽ tích cực hợp tác với các đơn vị xuất bản ra mắt hạng mục “Tủ sách Trending BookTok” đặt tại các cửa hàng trực tiếp và trực tuyến, qua đó góp phần gia tăng doanh số cho các đơn vị phát hành, đồng thời tạo điều kiện phát triển cho các tác giả mới.

Trong buổi tập huấn cho các đơn vị xuất bản, phát hành, một số nội dung cơ bản được làm rõ, gồm: Các nền tảng TikTok bảo vệ bản quyền tác giả, nhà xuất bản và nhà phát hành; sự phát triển của ngành sách trên nền tảng TikTok Shop, cách xây dựng kênh và nội dung sáng tạo liên quan đến chủ đề BookTok; cách xây dựng kênh…

Ðại diện TikTok Việt Nam cũng đã giới thiệu về chiến dịch BookTok trên toàn cầu và tại Việt Nam. Chiến dịch này lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam từ tháng 4/2023 và chính thức được triển khai toàn cầu vào ngày 9/8 nhằm đón chào “Book Lover’s Day” (Ngày hội yêu sách). Ðến thời điểm hiện tại, chiến dịch đã thu hút hơn 196 tỷ lượt xem trên toàn cầu. Trong đó, với lần đầu tiên khởi động tại thị trường Việt Nam, chiến dịch đã thu hút hơn 2,5 tỷ lượt xem. Lần thứ hai thu hút hơn 1,1 tỷ lượt xem.

“Sách giả, sách lậu vẫn tràn lan trên TikTok nói riêng và các nền tảng công nghệ số nói chung”... là nhận định, phản ánh từ nhiều công ty sách, người tiêu dùng. Nhiều bạn đọc đã mua sách qua nền tảng TikTok với giá ưu đãi nhưng khi nhận sách thì rất thất vọng bởi chất lượng không như mong đợi.

Các gian hàng bán sách giả trên nền tảng số thường chạy quảng cáo, bán hạ giá từ 50-70% so với giá bìa và thực hiện livestream vào khung giờ tối (từ 19 giờ đến 22 giờ). Không chỉ hạ giá nhằm đánh vào tâm lý ham rẻ của khách hàng, người bán còn đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn. “Sách giả, sách lậu tràn lan trên TikTok và nền tảng số là vấn đề mới, không chỉ gây thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của đơn vị xuất bản, phát hành trong mắt khách hàng khi họ lầm tưởng đó là sách thật”, đại diện phía Công ty cổ phần Văn hóa sách Sài Gòn-Saigon Books chia sẻ. Ðể giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều đơn vị xuất bản, phát hành đã công bố thêm những hình ảnh, video clip phân biệt sách thật và sách giả trên chính các trang mạng xã hội, đặc biệt là TikTok để cảnh báo người đọc.

TIN CHỌN LỌC KHÁC
Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII năm 2024
2024-11-30 19:39:24
Tối qua, ngày 29/11, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia...
Hội Xuất bản trao tặng hàng nghìn phần quà tới học sinh Lào Cai
2024-11-07 09:10:33
Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp cùng Cục Xuất bản, In và Phát hành trao tặng các phần quà tới thư viện và trường học tại tỉnh Lào Cai.
Hội nghị Hội đồng Giải thưởng sách quốc gia lần thứ bảy
2024-10-17 20:11:27
Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ bảy đã tổ chức vào chiều ngày 14/10 tại Hà Nội để thảo luận, bỏ phiếu chọn ra các tác phẩm để trao giải.
Các cơ quan, đơn vị chúc mừng Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam
2024-10-10 09:44:09
Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2024), ngày 9/10, Hội Xuất bản Việt Nam đón tiếp các đoàn công tác của các cơ quan, đơn vị...
Triển lãm Sách chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
2024-10-10 09:13:28
Sáng 9/10, triển lãm sách kỷ niệm 70 năm ngày Giải Phóng Thủ đô đã được khai mạc tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.