Theo Kế hoạch và Chương trình hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023, lễ khai mạc sẽ diễn ra lúc 8 giờ ngày 21/4. Các hoạt động tại đây kéo dài từ 21 đến hết 25/4, với các chương trình tọa đàm, giới thiệu tác giả tác phẩm, giao lưu, các chương trình văn nghệ, giới thiệu di sản văn hóa Huế…
Cụ thể, trong ngày 22/4 có các tọa đàm “Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và nền tảng hỗ trợ xuất bản, phát hành” do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông và Công ty Cổ phần sách điện tử WAKA tổ chức, “Dư luận nữ quyền tại Huế xưa và nay” (Giới thiệu sách "Dư luận nữ quyền tại Huế" (1926-1929) trên sách báo đương thời và "Đạm Phương nữ sử" - Vấn đề phụ nữ ở nước ta; giới thiệu tủ sách Phụ nữ tùng thư (giới thiệu và phát triển) do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức, hoạt động giới thiệu tác giả, tác phẩm của Huế và viết về Huế; giới thiệu sách mới do Nhà xuất bản Thuận Hóa tổ chức.
Trong ngày 22/4, cùng với hoạt động giới thiệu sách “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong tiến trình đổi mới xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tổ chức, còn có chương trình Giao lưu khám phá “Đất nước gấm hoa & Cảnh Việt trong văn chương” do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức. Dự kiến có khách mời là Tiến sĩ Nguyễn Thanh Lâm và Tiến sĩ Lê Vũ Trường Giang.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, còn có một số hoạt động giới thiệu văn hóa Huế như trưng bày sách; tư liệu liên quan đến Huế; bộ sưu tập tài liệu Hán Nôm, trưng bày tư liệu/hình ảnh về Huế thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập được xuất bản thành sách, trưng bày Tủ sách Huế (11 cuốn sách cổ), giới thiệu tác giả, tác phẩm trong và ngoài nước viết về Huế, viết chữ thư pháp…
Bên cạnh đó, các đơn vị xuất bản cũng có nhiều chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng, giá giờ vàng…
Nhân dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng trao tặng 20 thùng sách cho huyện A Lưới.